Kịch bản thị trường tăng trưởng tốt hơn 2016 là kịch bản được nhiều người mong muốn nhưng nhiều khả năng sẽ không xảy ra…
Thị trường đi ngang, kịch bản nhiều khả năng xảy raDự báo về thị trường bất động sản năm 2017, nhóm chuyên gia của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã đưa ra 3 kịch bản: Tăng trưởng tốt hơn 2016; thị trường đi ngang; thị trường suy giảm, trầm lắng.
Về kịch bản thứ nhất – tăng trưởng tốt hơn 2016, theo nhóm chuyên gia này, đây là kịch bản rất nhiều người mong muốn nhưng nhiều khả năng sẽ không xảy ra. Kịch bản này dựa trên một số giả định lạc quan về tình hình kinh tế thế giới và trong nươc khó có khả năng xảy ra như thế giới không bị lâm vào khủng hoảng tài chính theo cảnh báo của BIS, IMF, WB…; quan hệ quốc tế không xuất hiện những vấn đề lớn; nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định và không xuất hiện những khó khăn ngoài dự kiến.
Kịch bản thứ 2 – thị trường đi ngang, các điều chỉnh nội bộ thị trường diễn ra. Một số phâm mảng như nhà ở cao cấp điều chỉnh giảm, một số phân mảng thị trường bất động sản giá trung bình và thấp điều chỉnh tăng.
“Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất. Tuy nhiên, cơ cấu thị trường phải thay đổi. Kịch bản này dựa trên một số điều kiện như thế giới không khủng hoảng, không điểm nóng; kinh tế trong nước không gặp trục trặc nào; thị trường bất động sản được chủ động điều chỉnh theo hướng giảm bớt sản phẩm cao cấp, có yếu tố nước ngoài; tăng cường sản phẩm giá trung bình, thấp”, nhóm chuyên gia này cho hay.
Về kịch bản cuối cùng, thị trường suy giảm, trầm lắng được dự báo là có thể xảy ra dù đây là kịch bản ít người mong muốn nhất. Theo nhóm chuyên gia, kịch bản có thể xảy ra trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng hoặc quan hệ quốc tế không ổn định, tình hình kinh tế trong nước khó khăn.
“Như vậy, trong năm 2017 thị trường bất động sản tiếp tục đi ngang, nhưng sẽ có sự điều chỉnh ở các phân mảng theo hướng tập trung hơn vào phân mảng nhà giá thấp và nhà ở xã hội, sẽ có sự suy giảm nhất định ở phân mảng nhà trung và cao cấp”, báo cáo của nhóm chuyên gia CIEM nêu.
Cũng theo nhóm chuyên gia này, bất động sản sẽ phân hoá mạnh, chỉ một số dự án cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi. Một số dự án đã triển khai sẽ được hoàn thành, một số dự án chuẩn bị khởi công sẽ có thể bị đình hoãn.
Các dự án quy mô lớn sẽ điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới, phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp trên dưới 1 tỷ đồng sẽ là tâm điểm phát triển của thị trường trong giai đoạn tới do nhu cầu phân khúc này vẫn còn rất lớn trong khi cung trên thị trường còn khá thiếu hụt.
Về các luồng tiền vào thị trường bất động sản, theo nhóm chuyên gia sẽ có sự điều chỉnh theo hướng tiếp theo của giai đoạn 2015-2016 nhưng có xu hướng rõ ràng hơn. Trong đó, luồng tiền nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ không tăng như kỳ vọng. Luồng tiền đầu tư công đã xác định ổn định. Luồng tiền kiều hối vẫn tăng tiệm tiến. Luồng tiền trong dân sẽ không còn nhóm đầu cơ. Luồng tiền từ hệ thống ngân hàng sẽ không còn tăng mạnh. Luồng tiền từ các công cụ tài chính không có đột biến. Luồng tiền từ thị trường chứng khoán sẽ không tăng mạnh.
Phụ thuộc nhiều chính sách tín dụng
Đánh giá khái quát thị trường bất động sản năm 2016, ông Hồ Bảo Hùng, Giám đốc bộ phận định giá và phân tích tài chính, Savills Hà Nội cho biết, diễn biến thị trường tương đối tốt trên tất cả các hạng mục , căn hộ liền kề, biệt thự và có nhiều sản phẩm mới ra thị trường, cung cấp 1 loạt sản phẩm khác nhau cho người mua nhà thực sự và nhà đầu tư.
Cuối năm 2016 thị trường có dấu hiệu chững lại do nguồn cung trung và cao cấp nhiều. Nhiều nhà đầu tư đã có thay đổi định hướng chuyển sang dòng sản phẩm nhà giá rẻ.
“Thị trường bất động sản Việt Nam rất tốt để phát triển. Chính trị ổn định, dư địa tốt về mua nhà luôn tăng và phần đông trong 90 triệu dân là dân số trẻ. Cải thiện thu nhập bình quân đầu người tốt. Do vậy thị trường bất động sản năm 2017 phụ thuộc vào yếu tố vĩ mô của năm 2017, đặc biệt là chính sách tín dụng”, ông Hùng cho hay.
Chia sẻ về điều này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM cho rằng, năm 2017 thị trường bất động sản sẽ chịu áp lực dòng tín dụng cho bất động sản.
“Chính sách tiền tệ hiện nay phải chịu quá nhiều gánh nặng. Trong khi ngân sách lại đang khó khăn. Tiềm năng có, thị trường có nhưng trước mắt năm 2017, áp lực tăng lên, cái cơ bản đó là quản trị rủi ro. Tôi cũng mong những kịch bản tốt xảy ra nhưng sự cẩn trọng và khả năng quản lý rủi ro phải được nâng cao. Đó là điều tôi muốn nói với thị trường bất động sản”, ông Thành cho biết.
0 comments:
Post a Comment